Định đề và hệ tư tưởng xét lại Chủ nghĩa phục quốc Do Thái xét lại

Ý tưởng được công nhận của chủ nghĩa xét là thành lập nhà nước Do Thái nằm trong Lãnh thổ Ủy trị Palestine, trên bờ Tây và Đông sông Jordan

Các vấn đề về lãnh thổ

Người xét lại được gọi là những kẻ giành tối đa lãnh thổ với quan điểm quốc gia Do Thái độc lập nên bao gồm các khu vực trên cả hai bờ sông Jordan, tức là không chỉ ở Palestine mà còn ở Transjordan. Đây là cách họ hiểu các mục trong Tuyên bố Balfour về việc tạo lập quốc gia cho người Do Thái ở Palestine. Trong thập niên 1920, Jabotinsky viết rằng mục tiêu chính của Chủ nghĩa phục quốc là phải thành lập nhà nước, ưu tiên nhất ở Palestine và thứ đến bên trong đường biên vạch ra hiện tại.[14] Xuất hiện các bài báo liên quan đến chủ nghĩa xét lại biện minh cho ý tưởng này qua lăng kính hấp thụ quan điểm nhập cư, kinh tế và an ninh. Các bài báo cho rằng sự phân chia thành Palestine và Transjordan do con người tạo ra và chỉ mang tính lịch sử. Đây vốn là miền Đất Hứa được Chúa ban cho dân Do Thái, nay khi thuộc quyền người Anh cai trị lại bị các bộ tộc Ả Rập rình rập xung quanh. Đồng thời với đó là lập luận rằng những mảnh đất màu mỡ này có thể giúp người Do Thái định cư và phát triển công nông nghiệp.[15][16] Những người xét lại chỉ chấp nhận Palestine làm nơi xây dựng nhà nước tương lai mà không để mắt tới bất kỳ đề xuất lãnh thổ thay thế nào khác dù có ý kiến cho rằng có nhiều địa điểm tại Ả Rập phù hợp để sinh sống.[17] Những vấn đề kinh tế châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất khiến những người xét lại coi Palestine có các nguồn lực và cơ hội để phát triển đời sống kinh tế xã hội.[18]

Những người xét lại bác bỏ Sách trắng Churchill (1922), Sách trắng Passfield (1930), Ủy ban Shaw (1930), Ủy ban Hoàng gia về Palestine dưới sự lãnh đạo của Robert Peel (1937) và Sách trắng 1939. Sách trắng Churchill trước đây trao cho người Do Thái quyền có nhà nước riêng, nhưng không được ủy nhiệm hoàn toàn. Sách trắng Passfield giới hạn số lượng người Do Thái được phép đến Palestine và chỉ trích các hoạt động của WZO và Cơ quan Do Thái (Jewish Agency for Israel) là gây nguy hại đến tình hình Palestine. Ủy ban Shaw đã điều tra nguyên nhân bạo loạn năm 1929 và khuyến nghị sửa đổi chính sách bán đất cho Cơ quan Do Thái.[19] Ngược lại, Ủy ban Peel quyết định rằng người Ả Rập và người Do Thái không thể sống chung hòa bình và nên phân chia lãnh thổ để tạo ra hai nhà nước cho hai cộng đồng riêng. Ủy ban đưa ra các điều khoản tạo nên "bức biếm họa hai bờ sông Yarkon".[20] Sách trắng 1939 một lần nữa giới hạn số lượng dân Do Thái nhập cư là 15.000 người mỗi năm.[21] Năm 1938, 21 năm sau Tuyên bố Balfour, những người xét lại kết luận rằng lời hứa của Anh chỉ là nước cờ nhằm có được sự ủng hộ của người Do Thái. Như vậy, tuyên bố hàm ý rằng thay vì một đất nước, dân Do Thái sẽ chỉ được nhận về những "thay thế ưu đãi".[22] Sau khi Sách trắng 1939 được phát hành, tờ Ha-Maszkif đăng một bài báo nói rằng không còn tin được người Anh nữa vì họ đã không giữ lời hứa, biến người Do Thái thành kẻ thù.[23] Cùng với đó, Irgun kích động bạo loạn trong Palestine Ủy trị.[24]

Thái độ đối với Ả Rập

Nhà báo sử gia Walter Laqueur nói rằng Jabotinsky nhận thức và không xem nhẹ tầm quan trọng vấn đề Ả Rập ở Palestine. Ông nhấn mạnh việc Ả Rập phản đối phong trào Do Thái phục quốc và người Do Thái định cư ở Palestine. Trong các bài viết của mình, thủ lĩnh xét lại bày tỏ quyền bình đẳng giữa người Do Thái và người Ả Rập, nhưng nhấn mạnh rằng khi thành lập nhà nước Do Thái độc lập, người Ả Rập sẽ chỉ là thiểu số trong đó. Những người xét lại coi như vậy là công bằng, việc người Ả Rập có nhiều đất đai sinh sống hơn là bất hợp lý. Tất nhiên người Ả Rập chống lại quan điểm này. Đến lượt đó là lý do tại sao Jabotinsky chống lại những yêu sách của người Ả Rập.[25] Các tác phẩm của Jabotinsky nêu bật quan điểm không thể tồn tại hòa bình giữa người Do Thái và người Ả Rập trong cùng một quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập mâu thuẫn với Chủ nghĩa phục quốc Do Thái và không có chỗ cho hai nhà nước ở Palestine.[26] Như chính ông đã viết trong bài Bức tường thép:

Mọi cư dân bản địa, dù văn minh hay không, đều coi xứ sở mình là quê hương dân tộc, mà mình làm chủ duy nhất, luôn mong muốn giữ được quyền làm chủ ấy; họ sẽ từ chối bất cứ người chủ nào khác, hay chỉ đơn thuần là cộng tác và chia sẻ... ít nhất họ [người Ả Rập] cũng sẽ cảm thấy cùng một tình yêu vị kỷ dành cho Palestine [như chúng ta].[27]

Jabotinsky cho rằng thật ngây thơ khi thuyết phục Weizmann hoặc Ben-Gurion rằng có thể ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với người Ả Rập. Người Do Thái không thể đánh đổi bất kỳ điều gì cho việc mất Palestine, do đó Chủ nghĩa phục quốc phải dựng nên một bức tường thép để đối thủ không thể phá vỡ. Đằng sau khái niệm này là một loạt các biện pháp ngoại giao và cuối cùng là hoạt động quân sự để bảo vệ cộng đồng Do Thái.[27] Jabotinsky bác bỏ ý tưởng buộc trục xuất người Ả Rập khỏi Palestine nhưng cho rằng người Ả Rập chỉ có thể sống chung khi nằm dưới quyền thống trị của người Do Thái.[28]

Thái độ của những người xét lại đối với cộng đồng Ả Rập càng tồi tệ hơn sau cuộc nổi dậy Ả Rập năm 1936. Chính sách của Anh thập niên 1930 được coi là thân Ả Rập trong vấn đề Palestine, làm họ gia tăng thêm sức mạnh. Các cuộc tấn công của Ả Rập vào kibbutz đã không bị trừng phạt. Những lực lượng Ả Rập được mệnh danh là "khủng bố" và được phép dùng biện pháp hạn chế người Do Thái tiếp cận Palestine. Những người xét lại đã nhìn thấy khả năng Đệ tam Đế chế tận dụng tình hình bạo loạn này.[29] Theo Colin Shindler, vào cuối thập niên 1930, các điệp viên Đức đã tiếp xúc với những nhà hoạt động chính trị và tôn giáo Ả Rập.[30] Về vấn đề Ả Rập, Jabotinsky phê phán và cáo buộc cánh tả Do Thái ngây thơ và bất động trước chủ nghĩa dân tộc Ả Rập. Ông cho rằng chỉ có quyền lực an ninh và kinh tế mới có thể chế ngự được chủ nghĩa dân tộc này. Những người xét lại coi người Ả Rập là một cộng đồng lạc hậu không thể đảm bảo sự phát triển của Palestine như người Do Thái có thể mang lại.[31] Tháng 3 năm 1939, tờ "Trybuna Narodowa" thông tri về mối đe dọa người Do Thái ở khu định cư có thể phải chịu chung số phận với người Assyria tại Iraq do người Ả Rập gây ra.[32] Những người xét lại mô tả cuộc nổi dậy của người Ả Rập như sau:

Bọn Ả Rập đã biến đất nước thành vạc máu, lửa và cướp bóc. Chúng giết người và đốt phá, chúng không ngừng gây tội ác khủng bố với cộng đồng Do Thái hòa bình. Hơn nữa, bọn Ả Rập không chỉ chủ động tấn công thực tế mà cả chính trị nữa. Dân Do Thái chúng ta bị sát hại, tài sản bị đốt và chúng ta bị khủng bố. Thế mà, dân Do Thái chúng ta lại chỉ bị động phòng ngự trên thực địa và cả trên phương diện chính trị.
Nguyên văn
Oni, Arabowie zamienili kraj w kocioł krwi, ognia i rabunku. Oni są mordercami i podpalaczami, oni organizują nieustający przestępczy teror w stosunku do pokojowej ludności żydowskiej. A przytem – oni Arabowie, są nietylko fizycznie, lecz i politycznie w ofenzywie. Nas Żydów morduje się, podpala się nasze mienie i teroryzuje się nas. A przytem – jesteśmy my Żydzi nietylko fizycznie, lecz i politycznie w defenzywie.[33]

Báo chí xét lại như tờ "Jerozolima Wyzwolona" coi cộng đồng Ả Rập chính là áp chế mà Anh đặt lên người Do Thái. Ả Rập thúc giục các nhà chức trách Anh công nhận Tuyên bố Balfour đã được hoàn thành và coi cộng đồng Do Thái chỉ là một dân tộc thiểu số ở Palestine.[34]

Sử dụng bạo lực và đấu tranh vũ trang

Jabotinsky ủng hộ việc thành lập lực lượng vũ trang Do Thái là nhân tố chính bảo vệ các khu định cư Yishuv. Ngoài ra, ông lập luận rằng cũng nên áp dụng việc huấn luyện quân sự rộng rãi cho người Do Thái phổ biến như thắp nến vào ngày Sabát vậy.[35] Từ cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, Jabotinsky đã mặc nhiên khôi phục lại Quân đoàn Do Thái do chính ông đồng sáng lập thời chiến. Quân đoàn sau đó được điều đến Palestine nhưng không giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự. Tuy vậy, đội quân này mang tính biểu tượng cao. Chaim Weizmann nhấn mạnh thái độ không thích hợp của vị lãnh tụ xét lại khi muốn thành lập lực lượng vũ trang Do Thái. Jabotinsky trông chờ nhiều vào huấn luyện và kỷ luật quân đội. Ông cho rằng những việc đó sẽ giúp thay đổi thái độ và bản sắc Do Thái đã bị mất khi tha hương. Ông tin rằng nếu có thể dấy lên ý chí bảo vệ tổ quốc và dân tộc thì cũng đáng để tự hào về chủ nghĩa quân phiệt. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng các lực lượng vũ trang Do Thái sẽ khiêu khích người Ả Rập ở Palestine, trong khi đội quân Do Thái được tổ chức và huấn luyện một cách đông đảo sẽ thu được nhiều ích lợi.[36]

Jabotinsky với các sĩ quan BetarTel Aviv

Các cuộc bạo động Ả Rập năm 1929 khiến nội bộ những người phục quốc phải đưa ra thảo luận về việc Do Thái tự vệ. Những người ủng hộ xét lại ở Haganah tin rằng nên chủ động tiến công, chứ không phải chờ đến khi người Ả Rập đánh vào các kibbutz. Năm 1931, nảy sinh chia rẽ trong Haganah. Haganah B ra đời và đổi tên thành Irgun Tsvai Leumi. Ban đầu Irgun chỉ có ít thành viên và vũ khí. Phải đến vụ ám sát Haim Arlosoroff năm 1933 mới dẫn đến phân cực chính trị ở Yishuv giúp cho Irgun thay đổi cấu trúc và tuyển mộ thêm thành viên.[37] Thập niên 1930, những người xét lại bắt đầu buôn lậu vũ khí vào Palestine. Nguồn cung lớn đến từ Ba Lan. Tiền chi trả lấy từ quỹ riêng và vũ khí thường được đóng chuyển qua hành lý. Henryk Strasman chịu trách nhiệm đàm phán về vũ khí đạn dược tại Ba Lan. Quân đội Ba Lan bán súng trường, tiểu liêntrung liên cho Palestine.[38] Betar cũng được huấn luyện tiền quân sự ở Ba Lan. Thành viên Betar tham gia các trại huấn luyện do quân đội Ba Lan tổ chức. Ý thức kỷ luật được đặt ra, tổ chức các trại hè chuẩn bị sẵn sàng để đi đến Palestine.[39] Joseph Trumpeldor trở thành biểu tượng, tấm gương hy sinh và không ngừng tranh đấu. Thanh niên Do Thái học theo để biết cách đánh lại kẻ thù và gạt bỏ đi những khuyết điểm của người tha hương.[40] Trumpeldor được miêu tả là hiện thân của "chân lý đạo đức", "quy tắc đạo đức quốc gia", biểu tượng coi hy sinh là vinh dự, từ đó đứng lên chiến đấu để đẩy lùi nhục nhã, khuất phục và sợ hãi.[41]

Thành viên Betar được huấn luyện

Cuộc nổi dậy Ả Rập năm 1936 dấy lên những tranh luận tiếp theo về việc người Do Thái có nên sử dùng bạo lực ở Palestine. Haganah quyết định rằng chỉ nên dừng lại phòng thủ, và hoạt động vũ trang chỉ ở mức tự trấn áp hay còn gọi là hawlaga. Như vậy phải tránh hình thức tấn công nào gọi là đáp trả tiêu cực, không được phép tấn công trả đũa là chính sách chính thức của Yishuv tại Palestine. Cách này nhằm tránh xảy ra xung đột phi lý giữa người Ả Rập và người Do Thái, và người Anh cũng không sử dụng vũ lực với các bên tham chiến. Haganah muốn thể hiện sự khác biệt khi mình chỉ giữ vị trí bảo vệ kibbutz chứ không đi trả thù như Shlomo Ben-Yosef.[42] Những người xét lại đối lập với quan điểm của chính quyền Yishuv. Khi ấy, Irgun đã là một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Palestine, lên tiếng ủng hộ việc phòng thủ tích cực. Mặc dù thủ lĩnh Irgun đầu tiên Avraham Tehomi phản đối việc trả đũa, nhưng các chỉ huy cấp dưới đã không tuân theo. Tehomi liền dẫn một số người quay lại Haganah. Những người còn lại tiếp tục chiến đấu với quân Ả Rập, đánh vào xe buýt, khu dân cư, làng mạc Ả Rập. Jabotinsky không nhất trí với hành động tàn bạo của Irgun, nhưng những người ở Palestine có ảnh hưởng lớn tới toàn bộ phong trào xét lại.[43] Báo chí Do Thái ở Ba Lan đưa tin rằng hawlaga thể hiện sự hèn kém của người Do Thái và chủ nghĩa hòa bình từ hải ngoại ngấm sâu vào Palestine.[44] Bằng giọng điệu xúc phạm, "Jerozolima Wyzwolona" cho rằng nhà nước mà không có quân đội thì như xây nhà trên cát và người Do Thái phải tham gia "cuộc chiến" Palestine để bảo vệ mạng sống mình, đó mới là tinh thần nhân đạo.[45] Haganah bị buộc tội phục tùng, mang tinh thần tha hương dispoera nhu nhược.[46] Đối với những người xét lại cấp tiến, hawlaga thực sự bạc nhược, phá sản, đi ngược lại đạo đức; còn "hành động khủng bố của thanh niên Do Thái" lại được ca ngợi. Họ lập luận rằng nếu việc người Ả Rập dùng bạo lực không làm xấu đi mối quan hệ với Anh, thì tại sao người Do Thái lại không thể chiến đấu như vậy.[47] Irgun được ca ngợi với tư cách lực lượng vũ trang Do Thái thực sự duy nhất ở Palestine, là niềm hy vọng cho một quốc da Do Thái mạnh mẽ, đối lập với Haganah "kỳ quái".[46]

Jabotinsky đến Warszawa năm 1939. Hàng dưới từ phải qua: Ze'ev Jabotinsky, Aharon Cwi Propes và Menachem Begin. Jeremiah Halpern đứng ở giữa hình

Hội nghị Betar thế giới lần thứ 3 tại Warszawa năm 1938 minh chứng ý tưởng Jabotinsky trong phong trào xét lại. Người đứng đầu Betar Ba Lan Menachem Begin tuyên bố rằng giai đoạn chính trị và ngoại giao của chủ nghĩa phục quốc đã chấm dứt, cần phải bước vào thời kỳ đấu tranh vũ trang. Mục tiêu là giành thắng lợi vũ trang tại Palestine, Do Thái sẽ tử đạo hoặc giành chiến thắng. Uriel Shelach đề xuất biến Betar thành lực lượng cách mạng vũ trang Do Thái ở Palestine. Avraham Stern đề nghị gia tăng người từ châu Âu đến lãnh thổ Ủy trị để đánh tan chủ nghĩa dân tộc Ả Rập.[48][49] Năm 1939, tờ "Jerozolima Wyzwolona" đăng bài tuyên bố chỉ có đấu tranh vũ trang mới có thể mang lại độc lập, còn giới chóp bu chủ nghĩa phục quốc đầy "quan liêu".[50] Báo khẳng định chỉ có bạo lực ở Palestine và ngân khoản từ hải ngoại mới kiến tạo được nhà nước tương lại. Lấy Tiệp Khắc làm ví dụ bị chia tách do Hiệp ước München khi phụ thuộc vào đồng minh nên người Do Thái phải dựa vào chính mình chứ không nên trông chờ cầu viện các quốc gia khác.[51]

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Irgun và Jabotinsky quyết định đứng về phía Anh chống lại Đức quốc xã. Một số chiến binh thậm chí còn gia nhập Lục quân Anh. Phong trào liền phát sinh khủng hoảng. Awraham Stern nhận thấy kẻ thù lớn nhất của Do Thái chính là người Anh khi chiếm đóng Palestine. Ông từ chối dừng đánh Anh. Khác với Irgun, Stern không coi người Ả Rập là mối đe dọa chính. Năm 1940, ông tách khỏi Irgun và thành lập Lehi, thực hiện tấn công khủng bố nhằm vào các quan chức và binh lính Anh trong và sau chiến tranh. Lehi coi bạo lực là thể hiện cách mạng giải phóng Do Thái. Từ năm 1944, khi Begin trở thành chỉ huy Irgun, tổ chức này cũng tấn công nhằm đẩy người Anh ra khỏi Palestine và có thể thành lập ngay nhà nước Do Thái độc lập.[52]

Quan điểm về chủ nghĩa xã hội

Uri Zvi Greenberg

Trong thời gian học tập ở Ý, Jabotinsky đồng cảm với các tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Ông cho rằng đấu tranh giai cấp có thể có lợi cho Palestine và cạnh tranh phát triển. Tuy nhiên, khi quan sát cách thức chủ nghĩa cộng sản nắm quyền ở Nga và đặc điểm "quyền lực nhân dân" dần khiến Jabotinsky không còn thiết tha chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh bất lợi của người Do Thái ở châu Âu thập niên 1920 và 1930 khiến ông cho rằng đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa xã hội là tốt cho các nước phát triển, nhưng Palestine vẫn đang ở đoạn đầu con đường phát triển, và việc người Do Thái hồi hương quan trọng hơn bất kỳ tranh chấp ý thức hệ nào. Theo thời gian, toàn bộ phong trào mang tính chất chống chủ nghĩa xã hội, người xét lại luôn nhấn mạnh những vấn đề quan trọng hơn phân chia giai cấp.[53] Tờ "Jerozolima Wyzwolona" coi "Đồng hóa Đỏ" là sự loay hoay mất mát của người Do Thái khi đứng trước "cách mạng giai cấp". Đặc biệt, những người tham gia các phong trào chủ nghĩa xã hội không thuộc Do Thái đã bị chỉ trích. Cánh tả của chủ nghĩa phục quốc không bị lên án, nhưng bất cứ ai "gây ảnh hưởng làm quần chúng Do Thái bị phân tán" đều bị công kích, kể cả việc ca ngợi cách mạng Bolshevik.[54] Jabotinsky xem tiến bộ và công nghệ hóa sẽ giải quyết được nhu cầu con người chứ không phải việc phân phối nguyên liệu sản xuất.[55]

Shindler đề cập rằng những người xét lại nổi tiếng như Abba AhimeirUri Zvi Greenberg khi bắt đầu tham gia chủ nghĩa phục quốc đã đồng cảm với các phong trào cánh tả. Tình trạng tương tự xảy ra khi các nhóm khác cũng tham gia vào chủ nghĩa xét lại; như nhóm Amlanim vốn trước thuộc Ha-Poel ha-Ca'ir nhưng ly khai vì bị cấm tự do bày tỏ quan điểm. Đổi lại, nhóm Menorah ở Latvia tham gia xây dựng Betar cũng tỏ ra cảm thông đồng ý với các kibbutz cánh tả tiên phong ở Palestine. Mặt khác, những người xét lại không xem vấn đề này là đấu tranh tư tưởng hay xung đột về ý thức hệ, mà chỉ nhằm giúp cho dân Do Thái lớn mạnh hơn ở Palestine.[56]

Cờ của Abba Ahimeir tại Betar România

Nền tảng xã hội chủ nghĩa của Ahimeir hay Greenberg đã mang đến tình cảm cách mạng và chống chủ nghĩa đế quốc một cách mạnh mẽ cho những người xét lại theo mác xít ở Palestine. Achimeir viết tích cực về quyền lực cá nhân, bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhà lãnh đạo Jabotinsky. Cách mạng Bolshevik thắng lợi khiến những người mác xít thay đổi mặt trận và quay ra ủng hộ nước Ý phát xít, thiết lập quan hệ chính trị với cả hai phe. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục coi mình là những người theo chủ nghĩa phục quốc cách mạng, Ahimeir coi chủ nghĩa Zion là cuộc cách mạng trong nội bộ dân tộc Do Thái. Ông bị các phong trào quần chúng thu hút và quan tâm đến các hoạt động của Sinn Féin, Zealots, hoặc các nhà lãnh đạo như Simon bar Giora, Benito Mussolini, Bar KokhbaJózef Piłsudski. Greenberg coi chủ nghĩa phục quốc là biểu hiện của "phong trào cách mạng phương Đông". Mặc dù các nhà hoạt động Palestine bác bỏ chủ nghĩa Lenin nhưng vẫn muốn thực hiện "cách thức hành động thực tế" của hệ tư tưởng này. Quan điểm cách mạng được thể hiện rõ ràng qua các yêu cầu dành cho phong trào. Tại Hội nghị Chủ nghĩa xét lại Thế giới lần thứ 5 ở Viên, Ahimeir lập luận rằng thanh niên và chế độ độc tài định hình thời đại ngày nay còn nền dân chủ đã bị băng hoại. Theo ông, phong trào có thể xác định lý tưởng cách mạng triệt để của những người trẻ tuổi, đó chính là Betar.[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ nghĩa phục quốc Do Thái xét lại http://en.jabotinsky.org/zeev-jabotinsky/life-stor... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://kotar.cet.ac.il/KotarApp/Viewer.aspx?nBook... https://etzel.org.il/english/index.html https://en.idi.org.il/israeli-elections-and-partie... https://www.likud.org.il/%D7%A2%D7%9C-%D7%94%D7%9C... https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn/1937/11... https://www.nli.org.il/en/newspapers/chadn/1938/03...